Biên phiên dịch - không chỉ là câu chuyện dịch thuật

Thứ năm - 13/01/2022 01:31 1.093 0
Biên phiên dịch - không chỉ là câu chuyện dịch thuật

Trước đây, người ta hay dùng từ chung là thông dịch viên để chỉ những người đi làm công việc dịch thuật. Thông dịch viên bao gồm dịch viết và dịch nói. Biên dịch hiểu nôm na là dịch viết và phiên dịch là dịch nói. Người biên dịch sẽ làm việc với các dạng văn bản, câu chữ trên văn bản còn phiên dịch sẽ làm việc để dịch các đoạn hội thoại hay lượt lời. Cho dù biên dịch hay phiên dịch thì mục đích cuối cùng vẫn là chuyển ngôn ngữ từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ đích để hai bên tham gia hội thoại để hiểu nhau, lắng nghe, đưa ra quyết định cùng với nhau. Xoay quanh câu chuyện về nghề biên phiên dịch, trong tập 4 "Biên phiên dịch - không chỉ là câu chuyện dịch thuật" của Podcast “Người Nhân văn - Mài sắt, nên kim”, chúng ta sẽ được gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ một vị khách mời rất đặc biệt - anh Đàm Huy Phát, cựu sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh, hiện là một biên phiên dịch viên chuyên nghiệp.   

Với kinh nghiệm làm nghề, anh Phát chia sẻ: "Cả biên dịch và phiên dịch đều có thể giúp các đạt tới đỉnh cao khó ai bì và lương cũng xứng đáng. Làm nghề nào cũng vậy, chúng đều có những nấc thang để đưa ta đến đỉnh cao". Đối với công việc làm một biên phiên dịch chuyên nghiệp, anh Phát cho rằng có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Đó chính là kỉ niệm về những bước đi đầu tiên, hay mỗi lần đi dịch là câu chuyện khác nhau, gặp nhiều người khác nhau, kể về những chủ đề khác nhau. 

Khi nói về những va vấp trong những chặng đường đầu tiên, anh Huy Phát đúc kết rằng: "Thoả mãn bản ngã để lại nhiều hậu quả về sau. Bài học rút ra cho anh chính là cần có cách hành xử chuyên nghiệp, có thể những điều mình thấy không có hài lòng, đi ngược lại ý muốn, hiểu biết. Đạo đức nghề nghiệp cần mình làm nghề một cách chuyên nghiệp. Về kỹ năng ứng xử với khách hàng, các bên đối tác khác nhau, chúng ta đều cần phải rèn luyện thêm, không phải một sớm một chiều để thành công". 

Về kĩ năng cần có đối với một người biên phiên dịch, anh chia sẻ thêm rằng khi còn là sinh viên, trường lớp dạy kĩ năng cứng, chắc chắn ai muốn làm nghề cũng phải cần có được. Chúng ta cần học tập nghiêm túc và tích góp trong lúc còn ở giảng đường. Tuy nhiên, một nhóm kĩ năng nữa cũng rất quan trọng đó là kĩ năng mềm. Kĩ năng mềm giúp cho chúng ta được cọ xát, rèn luyện, học tập trong thực tế. Trên thị trường có nhiều tính cách con người khác nhau để giúp chúng ta trưởng thành hơn, tích cực tự trau dồi, rút ra những bài học hay. 

Một yếu tố nữa đối với người làm nghề biên phiên dịch chính là cần hoạt ngôn. Kể cả biên dịch hay phiên dịch thì ngôn từ cần trau chuốt, vốn từ phong phú cả tiếng Anh và tiếng Việt. Đặc biệt, trong phiên dịch, người dịch cần có vốn từ phong phú và phản ứng nhanh. Trong lúc dịch, người phiên dịch có một độ trễ rất ít và phải tái hiện lại thông điệp. Khi nói nhanh, bắt buộc tư duy hoạt động nhanh hơn, nhạy bén hơn. "Các bạn có nhu cầu lắng nghe, tôi ở đây là có một thông điệp muốn truyền đạt. Đó là vai trò người trao truyền thông tin. Điều này giúp cho chúng ta có sự can đảm để bắt đầu làm việc". - Anh Phát nói thêm. 

Yếu tố kỹ năng cần có ở hai lĩnh vực biên dịch và phiên dịch là hai bộ kỹ năng khác nhau. Biên dịch thì có dịch sách, dịch tài liệu, tư liệu,... Phiên dịch kết nối doanh nghiệp, dịch nối tiếp cho tập huấn, hội thảo, dịch song song trong Cabin, phiên dịch trên mạng và họp trực tuyến,...  "Mỗi ngành con đều đòi hỏi kỹ năng riêng biệt khác nhau. Nếu dịch viết đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn thì dịch nói đôi lúc không có gì hết để chuẩn bị. Làm sao chúng ta ứng phó thì tuỳ theo kinh nghiệm của mỗi người. Nếu không làm đàng hoàng tử tế, có thể là công việc cuối cùng trong sự nghiệp".

Đối với lời khuyên dành cho những bạn đam mê với ngành biên phiên dịch, anh Phát chia sẻ: "Đối với nghề, chúng ta cần giữ cho mình vô hình. Càng vô hình, thông tin truyền đạt càng mạch lạc đến mức tưởng không có phiên dịch, để cuộc nói chuyện diễn ra trơn tru và khách hàng, đối tác đi đến những thống nhất chung có nghĩa là thành công. Điều cần chính là chuẩn bị tốt trong tất cả mọi tình huống". 

Thị trường ngành biên phiên dịch luôn luôn cạnh tranh nhau, nếu cạnh tranh với nhau về chất lượng là cùng nhau đi lên thì cạnh tranh về giá là cạnh tranh xuống đáy. "Khách hàng trả thấp hay yêu cầu cao và khách hàng trả giá cao là người ta biết được nghề như thế nào để đưa ra những yêu cầu hợp lý. Nếu bạn càng làm nhiều năm với mức giá càng thấp, công việc càng nhiều. Nếu cạnh tranh về chất lượng, công việc ổn định từ từ. Trở ngại lúc đầu người trẻ là vượt qua tâm lý cạnh tranh bằng giá. Nếu liên tục trau dồi trong những năm đầu tiên, thu nhập của người làm biên phiên dịch sẽ ổn định và đứng ở mức cao. Nếu không kiên nhẫn, có cách thức không cạnh tranh lành mạnh, quả cuối cùng là quả đắng và thậm chí là không còn làm trong ngành". 

Với trăn trở về công nghệ liệu có thay thế con người, kể cả trong lĩnh vực dịch thuật, anh Phát nói rằng: "Hiện nay, các nền tảng có live - captioning, có những công cụ phân tích tiếng nói rất tốt. Tuy nhiên, máy cũng phải học và phân tích chính từ con người dựa trên ngữ liệu đã có sẵn. Không có lý do gì nghề biên phiên dịch sẽ biến mất trong thời gian ngắn tới. Đây là một nghề rất hấp dẫn nhưng cũng rất chông gai. Khi nào còn ranh giới quốc gia, dân tộc và nền văn hoá, khi con người cần trau đổi kiến thức và khoa học công nghệ thì nghề biên phiên dịch vẫn tồn tại. Trong mỗi cuộc họp, giống như "ý tại ngôn ngoại", lớp từ ngữ chỉ là vỏ, ý là hoàn toàn khác. Các bạn tự tin làm nghề để có trái ngọt về sau."

Nguồn tin: hcmussh.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến sinh viên

Bạn không hài lòng điều gì về ngoại ngữ không chuyên cơ sở Thủ Đức

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây