Đừng biến ngoại ngữ thành gánh nặng trên hành trình vươn ra thế giới!

Thứ bảy - 15/01/2022 01:26 1.165 0
Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, hội nhập như hiện nay, thông thạo ngoại ngữ đang dần trở thành một kỹ năng không thể thiếu. Nhờ khả năng ngoại ngữ, con người dễ dàng tiếp cận với nền văn minh thế giới, mở rộng mối quan hệ, giao lưu và phát huy tiềm năng của bản thân.
Đừng biến ngoại ngữ thành gánh nặng trên hành trình vươn ra thế giới!
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là không phải tất cả mọi người đều có khả năng sử dụng hiệu quả ngoại ngữ. Điều này khiến họ đánh mất nhiều cơ hội quý giá trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Xoay quanh vấn đề trên, ThS. Phạm Ngọc Kim Tuyến - Giảng viên khoa Ngữ văn Anh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có cuộc trao đổi với website trường.

Học tốt ngoại ngữ mang lại nhiều cơ hội

Sẽ không quá khoa trương khi nói rằng kỹ năng ngoại ngữ là tấm vé thông hành đưa nhân loại bước vào thế giới mới - thế giới hiện đại, hội nhập và đa dạng văn hóa. Chia sẻ về tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với người trẻ, ThS. Phạm Ngọc Kim Tuyến cho biết: Tri thức nhân loại là vô cùng rộng lớn, thế nhưng chúng ta sẽ khó tiếp cận sâu nếu bạn yếu kém ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Vì vậy, biết ngoại ngữ góp phần nâng cao vốn kiến thức nhiều mặt, gồm cả kiến thức xã hội lẫn kiến thức chuyên môn”

Ngoài ra, việc học tốt ngoại ngữ cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong môi trường công việc. Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sang thị trường Việt Nam. Điều này mang lại rất nhiều cơ hội việc làm cho những lao động trẻ. Trong xu thế ấy, ngoại ngữ được xem là cầu nối giữa những quốc gia trên thế giới, có tác động tích cực trong việc giao lưu hợp tác. “Chính vì thế, họ luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự người Việt không chỉ giỏi chuyên môn mà phải thông thạo ngoại ngữ”. - ThS. Kim Tuyến khẳng định. Có thể nói dù làm thêm, thực tập hay bắt đầu với công việc chính thức, thành thạo ngoại ngữ cũng giúp người trẻ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

ThS. Phạm Ngọc Kim Tuyến là người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn Anh. Ảnh: NVCC

Bên cạnh những giá trị trong công việc, kỹ năng sử dụng hiệu quả vốn ngoại ngữ cũng sẽ mang lại nhiều ý nghĩa trong cuộc sống: cơ hội cải thiện mức lương, kết nối với bạn bè từ những nền văn hóa khác, xây dựng các mối quan hệ có lợi cho bản thân,… Ngoài ra, ThS. Phạm Ngọc Kim Tuyến cũng cho rằng người trẻ hiện nay có rất nhiều môi trường để tiếp cận và học tốt tiếng nước ngoài: Nguồn tài liệu học phong phú, nội dung và chất lượng đa dạng; Nhiều kênh chia sẻ phương pháp và bí quyết học ngoại ngữ đáng tin cậy; Nhiều cơ hội giao lưu với người nước ngoài thông qua các mạng xã hội hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài đang sống, làm việc, hoặc du lịch tại Việt Nam;…

Giải mã những rào cản trong việc học ngoại ngữ

Theo ThS. Tuyến, rào cản khi học ngoại ngữ chủ yếu xuất phát từ các yếu tố liên quan đến bản thân người học. Từ đó, nữ giảng viên khoa Ngữ văn Anh chỉ ra 5 vấn đề nan giải trong quá trình người trẻ tiếp thu ngôn ngữ mới: Thiếu kiên trì, nhẫn nại, ít dành thời gian cho việc luyện tập hàng ngày; Khó kiểm soát nhiều nguồn gây xao nhãng: mạng xã hội, làm thêm, đi chơi với bạn bè,…; Thiếu động cơ, mục tiêu học tập cụ thể; Chưa tìm ra phương pháp học phù hợp; Thiếu sự chuẩn bị về tâm lý và tinh thần học ngoại ngữ. “Mỗi người học sẽ có một hay nhiều rào cản riêng cần phải vượt qua để có thể học ngoại ngữ thành công và sử dụng nó một cách hiệu quả. Do đó, người học cần suy nghĩ nghiêm túc và thành thực nhất về những rào cản của bản thân để từ đó vạch ra các phương hướng khắc phục”. - ThS. Phạm Ngọc Kim Tuyến nhắn nhủ.

Nữ giảng viên từng giữ vai trò Ban tổ chức Hội thảo ICELT 2020 của  khoa Ngữ văn Anh. Ảnh: Facebook nhân vật

Hiện nay, nhiều bạn trẻ thường mắc phải những sai lầm cơ bản trong việc học ngoại ngữ. ThS. Tuyến cho rằng sai lầm lớn nhất xuất phát từ quan điểm học ngoại ngữ nhưng không thi lấy chứng chỉ. Nếu chỉ đưa ra mục tiêu chung chung như có thể đọc được truyện tiếng Anh (hoặc bất cứ ngoại ngữ nào khác), xem phim, nghe nhạc, nghiên cứu các tài liệu quan tâm, giao tiếp với người nước ngoài,… thì mục tiêu đó rất khó thực hiện, trừ phi người học rất đam mê học ngoại ngữ đó hoặc biết rất rõ mình sẽ làm gì với nó. Việc đặt ra mục tiêu học để lấy chứng chỉ (TOEIC, IELTS, TOEFL, PTE,…) sẽ giúp mỗi người xác định được lộ trình và kế hoạch học tập cụ thể. Có thể nói, việc sở hữu các chứng chỉ ngoại ngữ giúp người trẻ có thêm nhiều cơ hội trong học tập và công việc: du học, tìm việc làm,…

Bên cạnh đó, thói quen học ngoại ngữ nhưng không tìm hiểu về bản thân và thế giới xung quanh cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tiếp thu kiến thức của người học. Thực tế cho thấy rằng khi đọc hoặc nghe một văn bản về một chủ đề, lĩnh vực nào đó, nếu người học có kiến thức về chủ đề, lĩnh vực đó thì quá trình đọc - hiểu văn bản đó sẽ dễ dàng hơn và ngược lại. Tương tự như khi nói hoặc viết, nếu người học không có sự am hiểu về chủ đề thì khó có ý tưởng, nội dung để trình bày. “Một số người học thường hay phàn nàn rằng không có ý tưởng để nói hoặc viết. Khả năng rất cao là họ chưa có sự trang bị kiến thức về những chủ đề đa dạng, về bản thân lẫn về xã hội xung quanh”. - ThS. Kim Tuyến chia sẻ.

Làm chủ ngoại ngữ với 5 từ khóa

Với kinh nghiệm 15 năm giảng dạy tiếng Anh, ThS. Phạm Ngọc Kim Tuyến cho biết để học ngoại ngữ thành công, người học cần lưu ý các từ khóa: đầu vào (input), sự để ý (noticing), sự giám sát (monitor), luyện tập (practice) và đầu ra (output). Cụ thể, trong quá trình tiếp nhận kiến thức mới, người học cần đọc và nghe càng nhiều loại văn bản khác nhau càng tốt. Mục đích là thu nhận chất liệu, nội dung, kiến thức về đa dạng các lĩnh vực, tiếp cận với cách sử dụng ngoại ngữ để làm quen với các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, phát âm. Bên cạnh đó, sự để ý (noticing) cũng là một kỹ năng cần thiết để học ngoại ngữ. Trong quá trình nghe, đọc, người học cần để ý, quan sát thật kỹ cách người bản xứ sử dụng ngoại ngữ như thế nào, có những khác biệt nào giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và ngoại ngữ đang học. Ngoài ra, khi luyện tập kỹ năng nói và viết, người học tự để ý, nhận xét, đánh giá xem bản thân (hoặc người học khác) đã dùng ngoại ngữ đúng chưa (về mặt ngữ pháp, từ vựng, phát âm), đã có hiểu biết về chủ đề đang nói hoặc viết chưa hay cần phải tìm hiểu thêm. “Tuy nhiên, “chế độ giám sát” này không nên sử dụng quá nhiều khi người học giao tiếp thực tế hoặc khi đi thi (ví dụ: thi môn nói), đặc biệt là khi trình độ ngoại ngữ của người học vẫn còn thấp. Lý do là khi bật “chế độ giám sát” trong những trường hợp đó sẽ khiến cho người học không thể giao tiếp tự nhiên, trôi chảy”. - ThS. Tuyến chia sẻ.

Theo ThS. Phạm Ngọc Kim Tuyến, bí quyết quan trọng nhất khi học ngoại ngữ là tin vào bản thân mình. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình luyện tập sử dụng ngoại ngữ, ThS. Kim Tuyến nêu ra quy trình 8 bước giúp người học luyện tập kết hợp các kỹ năng hiệu quả: Tìm và nghe qua 1 video hay 1 bài nghe trong tài liệu nào đó (do người bản xứ nói) để nắm nội dung chính (hoặc chỉ để làm quen với tốc độ của người nói (bước 1); Vừa nghe vừa dừng video và ghi chú lại những từ khóa (keyword) (bước 2); Đọc lời thoại hoặc phụ đề, kiểm tra tất cả các từ mới, để ý và ghi lại các câu trúc ngữ pháp mà mình thấy cần thiết, để ý cách phát âm, lên giọng xuống giọng, cách nhấn nhá các từ khóa (bước 3); Nghe-dừng-đọc theo từng đoạn trong bài nghe (bước 4); Tự đọc to lời thoại hoặc phụ đề (bước 5); Mở file nghe và đọc đuổi theo người nói trong bài (bước 6); Mở file nghe nhưng tắt tiếng, chỉ để lại phụ đề và đọc theo phụ đề ấy (bước 7); Viết đoạn ngắn tóm tắt nội dung vừa nghe (bước 8)“Người học không nhất thiết phải làm theo tất cả các bước trên, mà có thể cân nhắc xem bước nào là phù hợp tùy theo trình độ, khung thời gian, mức độ hứng thú học của bản thân”. - ThS. Phạm Ngọc Kim Tuyến chia sẻ. Cuối cùng, người học cần nói, viết ngay khi có thể. Khi nói, viết, hãy tập trung vào nội dung mình cần diễn đạt, đừng quá bận tâm về ngữ pháp, phát âm hay từ vựng. Vì lúc đó, vấn đề trọng tâm là mình có giao tiếp được với người khác hay không.

Đánh giá về môi trường học tiếng Anh tại Việt Nam hiện nay, ThS. Kim Tuyến cho rằng: Hiện nay, có rất nhiều nguồn tài liệu học ngoại ngữ như sách tham khảo, kênh youtube, các nhóm Facebook, các trang tin tức điện tử của nước ngoài, phim ảnh, âm nhạc, các chương trình truyền hình thực tế”. Bên cạnh đó, nữ giảng viên cũng chia sẻ 2 phương châm giúp người trẻ học ngoại ngữ dễ dàng và hiệu quả: “It’s never too late to learn” (Học không bao giờ quá muộn) và “Fake it till you make it” (Bạn giả vờ yêu thích ngoại ngữ, để học tập nghiêm túc, có kết quả tích cực, bạn sẽ có thêm động cơ học rồi từ từ sẽ yêu thích nó thực sự). “Suy cho cùng, trường lớp, thầy cô có thể hỗ trợ hướng dẫn phương pháp và tài liệu học tập, nhưng bản thân người học mới là người quyết định lựa chọn mình sẽ kiên trì đến đâu, phấn đấu đến đâu, động cơ thực sự là gì, tinh thần học như thế nào là phù hợp với bản thân. Từ đó, mỗi người sẽ đạt được mục tiêu đề ra, nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như xây dựng hình ảnh về bản thân trong tương lai”. - ThS. Phạm Ngọc Kim Tuyến gửi gắm.

ThS. Phạm Ngọc Kim Tuyến (Ms Lurex) từng được tuyển thẳng vào trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, khóa Cử nhân tài năng đầu tiên của Khoa Ngữ Văn Anh 2002 - 2006. Trong quá trình học tập và giảng dạy, nữ giảng viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc: giải Ba tiếng Anh toàn quốc năm lớp 12; 2 bằng ThS: ThS Ngôn ngữ học Ứng dụng của ĐH La Trobe, Úc (2010) và ThS Lý luận & phương pháp giảng dạy tiếng Anh của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM (2017); Cán bộ trẻ tiêu biểu cấp trường năm 2018, giấy khen của Giám đốc ĐHQG năm 2018 vì những đóng góp trong hoạt động giáo dục. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến sinh viên

Bạn không hài lòng điều gì về ngoại ngữ không chuyên cơ sở Thủ Đức

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây